Cầu Sekong do Xí nghiệp Cầu 17-CIENCO1 thi công sẽ hoàn thành năm 2016 |
GTVT có vai trò đặc biệt trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này, nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn, trong đó có cả đường bộ cao tốc, đường sắt, cảng biển giữa hai nước Việt - Lào và trong phạm vi Tiểu vùng sông Mê Kông đang tiếp tục được triển khai.
Kết nối hai nước bằng đường cao tốc
Kể từ ngày ký kết Hiệp định Hữu nghị và hợp tác giữa CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào (18/7/1977), gần 40 năm qua, ngành GTVT Việt Nam đã có sự hỗ trợ, hợp tác ngày càng sâu rộng với Lào.
Đánh giá kết quả hợp tác GTVT giữa hai nước trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: “Hai bên đã tích cực đàm phán, ký kết cũng như tổ chức thực hiện có hiệu quả hiệp định tạo thuận lợi cho người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Hiệp định và nghị định thư tạo thuận lợi cho phương tiện cơ giới qua lại biên giới hai nước, bản ghi nhớ ba bên Việt Nam - Lào - Campuchia về vận tải đường bộ… thực sự thúc đẩy giao thương qua lại giữa hai bên, giúp hai nước hội nhập sâu rộng hơn trong khu vực và quốc tế”.
Một số dự án kết nối giữa hai nước đã và đang được triển khai như: Dự án đường ống dẫn dầu từ cảng Hòn La sang tỉnh Khăm Muộn, tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD; Dự án nâng cấp đường bộ từ Phu-thít-phờng, tỉnh đi Na Xon, dài 105 km, tổng mức đầu tư 87 triệu USD; Dự án xây dựng cầu Xả Ợt mới, tổng mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng; Dự án Nghiên cứu đầu tư tuyến đường cao tốc nối thủ đô Viêng Chăn - Hà Nội dài khoảng 760 km; Dự án tuyến đường sắt kết nối Thủ đô Viêng Chăn - Thà Khẹt - Mụ Giạ - Tân Ấp - cảng Vũng Áng, quy mô toàn tuyến khoảng 350 km... |
Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại nước CHDCND Lào trong tháng 9 này, Bộ trưởng Bộ GTVT hai nước thừa uỷ quyền của Chính phủ sẽ ký Bản ghi nhớ “Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực GTVT giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, nhằm nâng quan hệ hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực GTVT lên tầm cao mới, toàn diện và thực chất hơn”.
Cũng theo Thứ trưởng Thọ, trong nhiều năm qua, Đảng, Chính phủ hai nước đã quan tâm và tập trung xây dựng các tuyến đường ngang Đông - Tây thành những trục giao thông trọng yếu, như Đường 2E, 7, 8, 9, 18B,… kết nối với các tuyến đường bộ của Việt Nam: QL279, 7, 8, 9, 40, 12 … tạo điều kiện cho phía Lào lưu thông vận chuyển hàng hóa xuất nhập cảnh thông qua các cảng biển Việt Nam (Hải Phòng, Cửa Lò, Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng...).
Hiện Bộ GTVT hai nước đã hoàn thành nghiên cứu khả thi đường Phu-thít-phờng đi Na Xon (dài 105 km); Nghiên cứu khả thi và thiết kế kỹ thuật dự án xây dựng tuyến đường bộ từ huyện Xăm-tạy, tỉnh Hủa Phăn đến Thà-lẩu (biên giới Lào - Việt Nam). Tuyến đường này đang được thi công và dự kiến hoàn thành trong năm nay. Đây là tuyến đường thuộc tuyến nối chiến lược Hủa Phăng - Xiêng Khoảng và Thanh Hóa. “Để khai thác kết nối hai nước được hiệu quả hơn, Chính phủ đã giao Bộ GTVT hai nước hoàn thành nghiên cứu và trình đề án kết nối tổng thể về GTVT giữa Việt Nam và Lào, bao gồm cả kết nối cao tốc”, Thứ trưởng Thọ nói.
Với kết nối hạ tầng ngày càng được củng cố và phát triển, Việt Nam - Lào đang phối hợp đẩy mạnh khai thác, tổ chức vận tải một cách hiệu quả. Bộ GTVT hai nước nghiên cứu và trình đề án tăng cường quản lý vận tải hai chiều Việt Nam - Lào. Trong năm 2015, hai nước phối hợp với Thái Lan để xem xét để mở tuyến vận tải hành khách từ Hà Tĩnh qua Khăm Muộn đến Nakhonphanom và ngược lại.
Lào mong muốn việt nam chia sẻ kinh nghiệm xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông
Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ GTVT Phạm Thanh Tùng, thời gian qua, Bộ GTVT Việt Nam thường xuyên hỗ trợ phía Lào trong việc đào tạo cán bộ, trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng quản lý Nhà nước tất cả các lĩnh vực thuộc GTVT và trên cả diễn đàn song phương, đa phương.
Trong đó, Tổng cục Đường bộ VN đã chia sẻ, nhiều kinh nghiệm về công tác quản lý và hoạt động của các trạm kiểm soát tải trọng xe. Cục Đăng kiểm VN cũng hỗ trợ bạn trong công tác kiện toàn bộ máy và xây dựng tổ chức đăng kiểm. Cục Hàng không VN cũng chia sẻ kinh nghiệm với bạn về tìm kiếm cứu nạn, đào tạo phi công. Văn phòng Bộ và Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ GTVT hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm về công tác thông tin và truyền thông.
Ghi nhận và đánh giá rất cao những đóng góp, giúp đỡ to lớn của Bộ GTVT Việt Nam những năm qua đối với Lào, trong chuyến thăm Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành GTVT Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào Bounchanh Sinthavong cho rằng: “Những thành tựu của Lào đạt được như hôm nay có phần đóng góp rất to lớn của lãnh đạo và cán bộ Bộ GTVT Việt Nam. Vừa qua, khi chúng tôi có đề nghị được hỗ trợ thiết kế Sân bay Hủa Phăn, chỉ sau một thời gian rất ngắn, Bộ GTVT cử đoàn cán bộ, chuyên gia sang giúp thực hiện thiết kế, thẩm tra Nhà nước. Đây là sự giúp đỡ chí tình, luôn được thể hiện trong mối quan hệ Việt Nam - Lào anh em”, Bộ trưởng Bounchanh Sinthavong cảm động nói và đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế chính sách, kêu gọi xã hội hóa đầu tư để thu hút thêm nhiều nguồn vốn xây dựng hạ tầng giao thông tại Lào trong thời gian tới.
Nhà nước Lào luôn coi doanh nghiệp Việt như người nhà
Là một trong những doanh nghiệp giao thông đầu tiên và nhiều năm xây dựng công trình giao thông bên nước bạn Lào, ông Cấn Hồng Lai, Tổng giám đốc CIENCO1 chia sẻ, Nhà nước Lào luôn ủng hộ, tạo điều kiện tối đa và coi doanh nghiệp Việt Nam như người nhà. Từ khi triển khai dự án, GPMB, thi công đều được Nhà nước Lào quan tâm, tạo điều kiện tối đa nên các dự án đều đảm bảo chất lượng, mỹ thuật cao.
Ông Lai cho biết, từ năm 1990, Liên danh 18 (CIENCO1 và CIENCO8) đã được thành lập với mục đích triển khai các dự án giao thông tại Lào. Tháng 2/1992, Liên danh đã trúng thầu thi công dự án đầu tiên là ADB4 xây dựng tuyến đường 13 Bắc Lào. Đến nay, tuyến đường này vẫn đạt chất lượng và khai thác tốt, được phía Lào đánh giá cao. Sau khoảng 25 năm có mặt tại Lào, các nhà thầu của Việt Nam đã triển khai xây dựng khoảng 20 dự án giao thông tại Lào như: ADB4, 7, 12, đường 18B, đường nội thị Viêng Chăn, QL7, 9,...
“Tới đây, khi Lào mong muốn chia sẻ, hỗ trợ thu hút vốn xã hội hóa, các doanh nghiệp giao thông Việt Nam có nhiều kinh nghiệm càng cần sát cánh hơn với bạn. Nhà nước Lào cũng đang gợi ý để CIENCO1 tham gia vào một số dự án xã hội hóa. Chúng tôi đang tiến hành khảo sát, nghiên cứu để có thể tham gia trong thời gian tới”, ông Lai nói và cho biết, thời gian tới Liên danh 18 sẽ tiếp tục bám trụ, tìm kiếm thêm nhiều dự án để vừa sản xuất kinh doanh vừa là cầu nối giúp tình đoàn kết, mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng bền chặt”.
Báo giao thông.
Đang truy cập : 1 - Đã truy cập : 294585